Hà Nội hỗ trợ bữa ăn bán trú cho khoảng 768.000 học sinh tiểu học

Quy định về hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh Tiểu học dự kiến được xem xét tại kỳ họp 25 HĐND Thành phố Hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh: Chính sách nhân văn, giảm gánh nặng kinh tế cho phụ huynh HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục xem xét 9 Nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô

Tại Kỳ họp thứ 25, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã xem xét thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2025 – 2026.

Hà Nội Hỗ Trợ Bữa Ăn Bán Trú Cho Khoảng 768.000 Học Sinh Tiểu Học
Quang cảnh Kỳ họp thứ 25 HĐND thành phố Hà Nội.

Nghị quyết được ban hành nhằm thực hiện ý kiến gợi mở của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc tiếp xúc cử trì trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử số 1 thành phố Hà Nội ngày 17/4/2025; để tiếp tục quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục và chính sách học đường, bảo đảm chất lượng dạy và học, tạo mọi điều kiện học tập tốt nhất và toàn diện cho trẻ em Thủ đô, việc xây dựng Nghị quyết nhằm thực hiện Thông báo số 177-TB/TW của Văn phòng Trung ương Đảng là cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm phần nào gánh nặng về kinh tế cho phụ huynh học sinh; góp phần đảm bảo thể chất, nâng cao chất lượng học tập, đồng thời thể hiện sự quan tâm thiết thực của thành phố Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục và thế hệ tương lai.

Nghị quyết ban hành đảm bảo dễ thực hiện, giảm tối đa các thủ tục hành chính cho người học, cơ sở giáo dục và các đơn vị có liên quan; phủ hợp với quy định về phân cấp ngân sách, lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Đối tượng áp dụng Nghị quyết gồm học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn thành phố Hà Nội, tự nguyện tham gia sử dụng dịch vụ bán trú tại cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn thành phố Hà Nội có đối tượng được hỗ trợ.

Mức hỗ trợ được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1: Đối với học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi và các xã thuộc bãi giữa sông Hồng, mức hỗ trợ là 30.000 đồng/học sinh/ngày (hỗ trợ bữa ăn chính).

Nhóm 2: Đối với học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn còn lại của thành phố Hà Nội, mức hỗ trợ là 20.000 đồng/học sinh/ngày (hỗ trợ bữa ăn chính).

Trường hợp phụ huynh học sinh và nhà trường thống nhất mức tiền ăn cao hơn so với mức nhà nước hỗ trợ thì phần chênh lệch sẽ thu của người học (đảm bảo mức ăn tối thiểu là 30.000 đồng/học sinh/ngày).

Thời gian hỗ trợ: Năm học 2025 – 2026 (theo số ngày ăn thực tế, không quá 9 tháng/năm học). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp.

Hà Nội Hỗ Trợ Bữa Ăn Bán Trú Cho Khoảng 768.000 Học Sinh Tiểu Học
Đối tượng áp dụng Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú gồm học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn thành phố Hà Nội (Ảnh minh họa).

Dự kiến kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho 100% học sinh tiểu học năm học 2025 – 2026 khoảng 3.063 tỷ đồng (công lập khoảng 2.824 tỷ đồng; tư thục khoảng 239 tỷ đồng); số đối tượng được hỗ trợ khoảng 768.000 học sinh (công lập 707.727 học sinh; tư thục khoảng 60.273 học sinh). Kinh phí cấp Thành phố khoảng 8 tỷ đồng; cấp xã, phường khoảng 3.055 tỷ đồng.

Theo Tờ trình của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, lý do đề xuất hỗ trợ bữa ăn bán trú cho cấp tiểu học bởi cấp tiểu học là cấp có số lượng học sinh lớn nhất so với các cấp học còn lại. Tiểu học là cấp học bắt buộc học 2 buổi/ngày do vậy các nhà trường đều tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Về cơ sở vật chất phục vụ bữa ăn bán trú, cơ bản các nhà trường đều đáp ứng được (phòng ăn, bếp ăn, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc tổ chức ăn bán trú…).

Cấp tiểu học đang trong độ tuổi phát triển mạnh mẽ cả về thể chất, trí tuệ, đòi hỏi năng lượng và dinh dưỡng đầy đủ nên việc tổ chức ăn bán trú cho 100% học sinh tại các nhà trường là cần thiết. Ngoài ra học sinh được ăn trưa tại trường, phụ huynh sẽ không phải vất vả đưa đón con giữa buổi, tiết kiệm được thời gian, công sức, từ đó chuyên tâm vào công việc.

Sau một năm triển khai hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh cấp Tiểu học; căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện tổng kết, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo UBND Thành phố về việc hỗ trợ cho các cấp học còn lại.

Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, phần lớn học sinh theo học tại cơ sở giáo dục là người nước ngoài; học sinh Việt Nam theo học tại đây đều là những gia đình có điều kiện về kinh tế, họ sẵn sàng chỉ trả mức học phí và bữa ăn bán trú cho các con cao hơn rất nhiều lần so với các cơ sở giáo dục công lập và tư thục. Ngoài ra học sinh theo học tại cơ sở giáo dục này thường xuyên biến động do các con phụ thuộc vào thời gian công tác và thời gian cư trú của cha mẹ tại Việt Nam do vậy nếu hỗ trợ sẽ khó đảm bảo tính thống nhất, do đó Hà Nội chưa hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh học tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Để lại một bình luận