Hình dáng cục tẩy tiết lộ tính cách của trẻ

Trong buổi họp phụ huynh vào tháng 5/2025, một giáo viên ở Trung Quốc đã trình chiếu slide với 5 cục tẩy khác nhau và 5 trạng thái nghe giảng tương ứng của học sinh.

Tẩy sạch sẽ, gần như nguyên vẹn: Học sinh thường nghiêm túc nghe giảng, tập trung làm bài, ít tẩy xóa.

Tẩy có vài lỗ nhỏ, hình dạng tổng thể còn nguyên: Học sinh thỉnh thoảng mất tập trung nhưng phần lớn thời gian vẫn chú ý vào bài giảng.

Tẩy bị cắt xé ở cạnh, bề mặt lồi lõm: Trẻ thường lơ đãng, dễ phân tâm và vô thức biến cục tẩy thành đồ chơi.

Tẩy chi chít chấm đen, lỗ nhỏ, cạnh bị gọt nham nhở: Học sinh có thể không nghe giảng chút nào, liên tục nghịch ngợm khiến cục tẩy bị “tàn phá”.

Tẩy “biến mất”: Cục tẩy có thể bị thất lạc do chơi đùa hoặc bị tháo rời. Điều này cho thấy học sinh không đặt tâm trí vào việc học.





5 hình dáng của cục tẩy phản ánh tính cách, mức độ tập trung của học sinh với bài giảng. Ảnh: C.H

5 hình dáng của cục tẩy phản ánh tính cách, mức độ tập trung của học sinh với bài giảng. Ảnh: C.H

Hiện tượng này được một số nhà giáo dục gọi là “hiệu ứng cục tẩy”, một cách quan sát hành vi để đánh giá mức độ tập trung của học sinh, đặc biệt ở các lớp nhỏ.

Cô Lý Bình, giáo viên chủ nhiệm Trường Thực nghiệm An Cát Lộ, tỉnh Hàng Châu, nhận thấy không chỉ tẩy, học sinh còn biến thước kẻ thành đồ chơi, dù tình trạng này giảm ở lớp lớn hơn khi các em thấy trò đó “quá trẻ con”.

Cô Trần, giáo viên Trường Tiểu học Thực nghiệm Trường Giang, tỉnh Chiết Giang, đồng tình, cho rằng khi mất tập trung, trẻ thường nghịch dụng cụ học tập trên bàn, phổ biến nhất là bút, thước và tẩy.

“Một số bé trai dùng chúng làm máy bay, bập bênh, còn bé gái thích chơi với vụn tẩy”, cô Trần nói.

Theo cô Thích, giáo viên Trường Tiểu học Mại Ngư Kiều, tỉnh Hàng Châu, “hiệu ứng cục tẩy” có cơ sở để tin tưởng. Nhiều phụ huynh sau khi kiểm tra cục tẩy của con mình đã nhận thấy sự chính xác đáng ngạc nhiên.

“Học sinh nhỏ tuổi khó tập trung hơn, và cục tẩy chỉ là một trong nhiều thứ bị biến thành đồ chơi do dễ quan sát thấy sự hao mòn hơn các vật khác”, cô Thích nói.

Minh Phương (Theo Ettoday)