Hội Đồng Bầu cử quốc gia họp Phiên toàn thể lần thứ nhất, cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử

Chỉ tổ chức vận động bầu cử trực tuyến khi bảo đảm các điều kiện an toàn, an ninh mạng Quốc hội phê chuẩn 4 Phó Chủ tịch và 14 thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia nêu rõ, tại Kỳ họp 9 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBCQG), đồng thời bầu Chủ tịch HĐBCQG, phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch, các Ủy viên HĐBCQG.

Cũng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua các luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để triển khai thực hiện nhiệm vụ, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031, theo quy định mới của các luật vừa được Quốc hội thông qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia tiến hành phiên họp thứ nhất để chính thức cho ý kiến công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 15/3/2026.

“Đây là một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, nhằm lựa chọn những đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND khóa mới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia Họp Phiên Toàn Thể Lần Thứ Nhất, Cho Ý Kiến Về Công Tác Chuẩn Bị Bầu Cử
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Tại phiên họp, các thành viên đã nghe tờ trình, thảo luận và cho ý kiến cụ thể về Tờ trình việc ban hành: Nghị quyết phân công thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Quy chế làm việc của Hội đồng bầu cử quốc gia; Nghị quyết thành lập các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia; Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị quyết về bộ máy giúp việc Hội đồng bầu cử quốc gia; Dự kiến chương trình các phiên họp Hội đồng bầu cử quốc gia; Dự kiến phân công các cơ quan xây dựng và ban hành các văn bản phục vụ công tác bầu cử.

Thống nhất cao với nhiều nội dung trong các dự thảo, các đại biểu chỉ rõ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031 diễn ra trong bối cảnh lần đầu tiên các địa phương trong cả nước vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, do đó phải có hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ về công tác chỉ đạo để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công.

Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền sát dân hơn nữa, kết hợp xây và chống, kiên quyết, chủ động trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; quan tâm công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chú ý công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các dự thảo văn bản trình được chuẩn bị công phu, bài bản, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần tiếp tục rà kỹ lưỡng để bảo đảm sự khoa học, linh hoạt, tính thực chất, trong hoạt động của HĐBCQG trước khi trình ký.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý bản phân công thành viên cần hoàn thiện, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; gắn với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan và địa phương.

Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia Họp Phiên Toàn Thể Lần Thứ Nhất, Cho Ý Kiến Về Công Tác Chuẩn Bị Bầu Cử
Các thành viên HĐBCQG biểu quyết thông qua về nguyên tắc các dự thảo nghị quyết trình tại Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

“Phải có cập nhật trong phân công, chỉ đạo, để đảm bảo thành công. Như các đồng chí băn khoăn, trước đây bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp có cấp huyện nhưng giờ không còn cấp huyện vậy vai trò của của cấp tỉnh, cấp xã sẽ như thế nào.

Trên cơ sở bám sát Hiến pháp năm 2013, Chỉ thị số 46-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử, Kết luận số 153-KL/TW về phương hướng bầu cử; các Nghị quyết và các luật vừa được Quốc hội thông qua để chúng ta chuẩn bị việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 đảm bảo chất lượng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác bầu cử có phạm vi cả nước, khối lượng công việc rất lớn, thời gian ngắn, do đó phải được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Phải thiết lập cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa HĐBCQG với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu nâng cao vai trò giám sát của Nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội đối với công tác bầu cử để đảm bảo triển khai một cách thực chất, hiệu quả.

Cùng với đó tăng cường công tác tuyên truyền trước, trong và sau bầu cử, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử. Các cơ quan chức năng cần chủ động đấu tranh, phản bác những thông tin xấu độc, xuyên tạc về cuộc bầu cử, bảo vệ môi trường thông tin trong sạch, nhất là trên không gian mạng để cử tri yên tâm thực hiện quyền làm chủ; tạo nên nhận thức thống nhất và đồng thuận xã hội, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của non sông.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Cốt lõi của công tác bầu cử vẫn là thực hiện công tác nhân sự một cách chặt chẽ, khách quan, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ đại diện hợp lý. Công tác nhân sự khi được tiến hành chặt chẽ, khách quan, làm đúng ngay từ đầu sẽ hạn chế đơn từ khiếu nại, sẽ góp phần quyết định chất lượng đại biểu khóa mới”.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong tất cả các khâu của công tác bầu cử để đảm bảo thông suốt tới tất cả 34 tỉnh, thành phố, 3.321 đơn vị hành chính cấp xã của cả nước.

Tại Phiên họp, 100% các thành viên có mặt đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc các dự thảo nghị quyết trình tại Phiên họp.

Để lại một bình luận