Hợp tác kinh tế là động lực quan trọng cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác

ASEAN tiếp tục là ngọn hải đăng hòa bình Nỗ lực hợp tác, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững Việt Nam kêu gọi triển khai hợp tác Mê Kông – Nhật Bản theo tư duy mới, sáng tạo và thích ứng

Trong vai trò nước điều phối quan hệ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh David Lammy đồng chủ trì Hội nghị ASEAN-Anh.

Hợp Tác Kinh Tế Là Động Lực Quan Trọng Cho Quan Hệ Giữa Asean Với Các Đối Tác
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì Hội nghị ASEAN-Anh. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Phát biểu thay mặt ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN-Anh đã có nhiều phát triển ấn tượng trong thời gian ngắn sau khi thiết lập năm 2021. ASEAN đánh giá cao sự tham gia tích cực của Anh trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. 94,48% dòng hành động thuộc Kế hoạch hành động giai đoạn 2022–2026 đã được triển khai.

ASEAN hoan nghênh Anh trở thành quan sát viên chính thức của Nhóm Chuyên gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) về Quân y và An ninh hàng hải, ghi nhận sự đóng góp tích cực của Anh trong thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh cũng như hỗ trợ của Anh trong các lĩnh vực an ninh mạng, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, lừa đảo trực tuyến, mua bán người và các loại tội phạm liên quan đến ma túy.

Tại Hội nghị ASEAN-EU, đại diện cấp cao EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Kaja Kallas nhấn mạnh ASEAN và EU là đối tác tin cậy của nhau, chia sẻ giá trị, lợi ích và trách nhiệm chung trong củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế hiện nay. ASEAN và EU cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực, tăng cường sự gắn kết giữa hai khu vực, hướng tới dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ hai bên vào năm 2027.

Hợp Tác Kinh Tế Là Động Lực Quan Trọng Cho Quan Hệ Giữa Asean Với Các Đối Tác
Quang cảnh Hội nghị ASEAN-Anh. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS lần thứ 15, các nước khẳng định vai trò của EAS trong củng cố chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy môi trường thuận lợi cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển, duy trì văn hóa đối thoại và hợp tác thay vì đối đầu, củng cố lòng tin và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Các nước cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, nhất trí tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của EAS trong bối cảnh cấu trúc khu vực và toàn cầu đang chuyển động nhanh chóng, đặc biệt vào thời điểm kỷ niệm dấu mốc 20 năm thành lập EAS.

Hội nghị ghi nhận tiến triển trong triển khai Kế hoạch Hành động EAS giai đoạn 2024-2028, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên về hòa bình-an ninh, phát triển bền vững, năng lượng, kinh tế số, kết nối và an ninh mạng, nhất trí triển khai hợp tác EAS trong thời gian tới cần phù hợp với các định hướng chiến lược ASEAN 2045.

Tham dự các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng các nước ASEAN và đối tác nhìn lại và đề xuất định hướng hợp tác trong bối cảnh khu vực và thế giới đang trải qua nhiều biến động và thách thức.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy hợp tác kinh tế với các đối tác, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tăng trưởng bao trùm và bền vững, củng cố chuỗi cung ứng, phát triển hạ tầng xanh và tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hợp Tác Kinh Tế Là Động Lực Quan Trọng Cho Quan Hệ Giữa Asean Với Các Đối Tác
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh hiện nay là thời điểm thích hợp để xem xét lại đề xuất về Hiệp định Thương mại Tự do toàn diện ASEAN-EU trên cơ sở tận dụng các hiệp định song phương hiện có, đề nghị các nước thành viên EU còn lại sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA); đồng thời, hoan nghênh các các sáng kiến hỗ trợ hạ tầng cho năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, tài chính sáng tạo, xây dựng năng lực số, an ninh mạng, quản trị dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các chương trình trao đổi giáo dục, học bổng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ các đối tác như Anh và Liên minh châu Âu, khuyến khích kết nối giữa các trung tâm nghiên cứu và mạng lưới chuyên gia của ASEAN với các đối tác, ủng hộ việc tăng cường hợp tác y tế và ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.

Tại các Hội nghị, Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực như Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên, đề nghị các Đối tác tiếp tục ủng hộ lập trường nguyên tắc và nỗ lực của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cùng phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Để lại một bình luận