HoREA đề xuất TP HCM không cấm lưu trú ngắn ngày trong chung cư

Nội dung trên vừa được Hiệp hội bất động sản (HoREA) góp ý với UBND TP HCM. Theo HoREA, thay vì cấm, thành phố nên xem xét mô hình này như một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hoạt động kinh doanh lưu trú ngắn ngày trong căn hộ chung cư cần được ban hành các quy định pháp luật, các hộ kinh doanh phải đăng ký hoạt động, nộp thuế, tuân thủ tiêu chuẩn về nhà ở, dịch vụ…

Lý giải việc đưa ra đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, cho rằng thành phố đã có cách hiểu chưa đúng về quy định này trong Luật Nhà ở 2023. Cụ thể, Luật đã có quy định chủ sở hữu nhà chung cư có quyền cho thuê căn hộ của mình theo hình thức dài hạn (theo tháng, theo năm) hoặc ngắn hạn (theo ngày, theo tuần, Airbnb…). Luật Lưu trú 2013 cũng khẳng định “lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm”.

“Vì vậy, cách hiểu của thành phố là chỉ những căn hộ cho thuê dài hạn mới là nhằm mục đích để ở (lưu trú), còn thuê ngắn hạn thì không thuộc phạm vi để ở (lưu trú) là chưa chính xác”, HoREA nêu quan điểm.





Bất Động Sản Khu Đông Tp Hcm Với Các Cao Ốc, Chung Cư, Dự Án... Tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản khu Đông TP HCM với các cao ốc, chung cư, dự án… tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Trên cơ sở này, Hiệp hội đề nghị TP HCM thống nhất cách hiểu về lưu trú và xác định việc cho thuê căn hộ dài hạn hay cho thuê ngắn hạn đều là phục vụ mục đích để ở, không vi phạm Luật Nhà ở 2023 và không nên cấm. Hiệp hội cũng kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung giải thích cụ thể về khái niệm thế nào là sử dụng chung cư vào mục đích để ở và sử dụng chung cư vào mục đích không phải để ở, để các địa phương thuận tiện trong việc thực thi Luật.

Bên cạnh đó, HoREA cho rằng cấm mô hình lưu trú Airbnb cũng kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế cho TP HCM. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội này, thành phố có 24 tòa nhà với hơn 8.750 căn hộ chung cư đang kinh doanh mô hình Airbnb. Việc cấm kinh doanh lưu trú ngắn ngày trong chung cư sẽ khiến các chủ sở hữu căn hộ bị thiệt hại nặng nề, bị mất nguồn khách du lịch, khách vãng lai có nhu cầu thuê nhà ngắn hạn. Việc chuyển hướng sang cho thuê nhà dài hạn khó khăn khi số lượng căn cần chuyển đổi là quá lớn.

Đồng thời hoạt động kinh doanh lưu trú ngắn hạn đang tạo việc làm cho gần 17.500 người lao động trên địa bàn. Nếu cấm mô hình này hoạt động đồng nghĩa số lao động trên sẽ thất nghiệp và mất nguồn thu.

Một số chuyên gia cũng cho rằng thay vì cấm khai thác căn hộ cho thuê lưu trú du lịch trong chung cư, TP HCM nên tận dụng Nghị quyết 98 để thí điểm với các quy định rõ ràng, từ đó tìm ra mô hình quản lý phù hợp. Nếu quản lý tốt, đây sẽ là loại hình lưu trú thúc đẩy du lịch và thu về nguồn ngân sách cho thành phố, phát triển du lịch và hài hòa lợi ích cho người sở hữu chung cư.

Trước đó, ngày 27/2, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định 26 quy định về quản lý và sử dụng nhà chung cư. Theo đó việc cho thuê căn hộ trong nhà chung cư phải đảm bảo đúng mục đích sử dụng để ở, tuyệt đối không sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích lưu trú ngắn hạn, theo ngày, giờ… Quy định này được nhiều cư dân sinh sống tại dự án chung cư ủng hộ nhưng cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chủ căn hộ đang kinh doanh mô hình cho thuê.

Phương Uyên