‘Ít mà tốt’ – Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến kim chỉ nam cho tinh giản bộ máy ở cơ sở

Việt Nam đang trở thành tâm điểm của thế giới trong nỗ lực cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy với quy mô chưa từng có. “Việt Nam đang thực hiện ‘cuộc cách mạng hành chính’ táo bạo với mục tiêu cắt giảm 100.000 biên chế và sáp nhập 63 tỉnh, thành còn 34 đơn vị, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ” – Deutsche Welle (DW), Đài truyền hình công cộng quốc tế của Đức, nhận định trong bài viết đăng hôm 5/3/2025.

Ở trong nước, cuộc tinh giản biên chế từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị đến nay đã và đang triển khai đến từng địa phương, từng cán bộ, người dân. Nhưng triết lý cốt lõi, thực ra từ lâu đã được chỉ rõ trong di sản tư tưởng của Bác Hồ. Đó là tư tưởng “ít mà tốt”, là lời căn dặn “Bộ máy phải gọn nhẹ, việc gì cũng tiết kiệm… không phô trương hình thức”, là khái niệm “… tinh là đưa năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt; giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức” mà Bác từng nói.

“Ít mà tốt” – sức mạnh từ tinh gọn

“Với việc ứng dụng công nghệ và kỹ năng nghiệp vụ tốt, một cán bộ, công chức có thể đảm nhận khối lượng công việc gấp 3–4 lần trước đây” – ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão – Quận 1, TP Hồ Chí Minh – khẳng định với phóng viên Thời báo VTV.

Ít mà tốt – Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến kim chỉ nam cho tinh giản bộ máy ở cơ sở - Ảnh 1.

Cán bộ, công chức phường Phạm Ngũ Lão (TP Hồ Chí Minh) phối hợp cùng các lực lượng chức năng tiếp công dân tại trụ sở, lắng nghe và giải quyết các vấn đề kiến nghị của người dân.

Điều này đang là sự thực ở phường Phạm Ngũ Lão. Dù giảm biên chế, hiệu quả công việc không những không “ùn tắc” mà còn được nâng cao gấp 3–4 lần nhờ ứng dụng công nghệ. Theo ông Trần Trọng Nghĩa, hiện tại ở phường này, 100% văn bản được xử lý điện tử, ký số, loại bỏ hoàn toàn giấy tờ. Phần mềm GOffice do phường trang bị và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ, giúp một cán bộ đảm nhiệm nhiều khâu: từ soạn thảo, kiểm tra văn bản, ký số đến lưu trữ điện tử – thay vì mỗi người một khâu như trước đây.

Phường Phạm Ngũ Lão cũng triển khai nhiều kênh tiếp nhận thông tin như: hệ thống chính trị, trang Zalo phường, trang thông tin điện tử. Đồng thời, phường đang xây dựng trợ lý ảo để trả lời phản ánh của người dân, hỗ trợ tìm kiếm thông tin và hướng dẫn thủ tục hành chính. Không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức cho cán bộ, công chức mà còn tăng sự tương tác hai chiều giữa chính quyền và người dân.

Công nghệ số – “chìa khóa” để đột phá

Kinh nghiệm từ Đảng bộ, chính quyền phường Phạm Ngũ Lão cho thấy: để tinh thần nêu gương không bị mờ nhạt, cấp ủy cần chú trọng xây dựng văn hóa trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, lấy kết quả phục vụ người dân làm thước đo đánh giá cán bộ. Đồng thời, cần duy trì kỷ luật, kỷ cương nội bộ; khuyến khích sự sáng tạo, linh hoạt và chủ động trong giải quyết công việc.

“Không có kiêm nhiệm, nhưng sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần” – ông Trần Trọng Nghĩa nhấn mạnh. Kết quả: 95% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính – theo khảo sát của UBND Quận 1.

Ít mà tốt – Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến kim chỉ nam cho tinh giản bộ máy ở cơ sở - Ảnh 2.

Cán bộ công chức và khu phố phường Phạm Ngũ Lão hướng dẫn người dân sử dụng group Zalo, trợ lý ảo để giao tiếp, truyền tải thông tin hiệu quả hơn.

Phường Phạm Ngũ Lão chỉ là một điển hình, TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai “Chính quyền số” trên diện rộng. Theo báo cáo của UBND TP, tính đến tháng 5/2025, 100% quận/huyện áp dụng hệ thống văn bản điện tử, giảm 85% thời gian xử lý thủ tục hành chính. Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý đô thị được triển khai tại 12 quận trung tâm, giúp tự động hóa 70% công việc kiểm tra giấy phép xây dựng và an ninh trật tự. Đồng thời trợ lý ảo tiếp nhận phản ánh của người dân qua Zalo, Facebook đã xử lý 92% yêu cầu mà không cần tiếp xúc trực tiếp.

Còn trên cả nước, đánh giá từ Liên Hợp Quốc, theo Báo cáo Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử (EGDI) 2024, Việt Nam đã tăng 15 bậc, xếp thứ 71/193 quốc gia, thuộc nhóm “rất cao” về phát triển chính phủ điện tử.

Quyết tâm vượt qua thách thức

Phường Phạm Ngũ Lão chỉ là “viên gạch” trong lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế của TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước. Đây cũng là một trong những phường ở trung tâm thành phố, có điều kiện hạ tầng, trình độ cán bộ đồng đều và dân trí tương đối cao. Quá trình tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy sau sáp nhập ở hầu hết các địa phương khác sẽ còn nhiều thách thức. Nhưng di sản tư tưởng của Bác về tinh gọn bộ máy chắc chắn là kim chỉ nam.

Cách đây hơn một tuần, hôm 6/5, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Tổ giúp việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Quá trình sáp nhập và tinh gọn bộ máy của đô thị năng động nhất cả nước bắt đầu vào guồng tăng tốc. Hầu hết chính quyền các phường cho biết sẽ cắt giảm khoảng 30–50% nhân sự là các cán bộ không chuyên trách, trong khi vẫn phải đảm bảo duy trì hoạt động thông suốt, liền mạch để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tất cả đang phản ánh tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” – lấy công nghệ làm đòn bẩy, lấy con người làm trung tâm. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Tinh gọn bộ máy không chỉ là cắt giảm, mà là tối ưu hóa để phục vụ nhân dân tốt hơn”. Với mục tiêu đến năm 2030: 100% dịch vụ công tích hợp trên nền tảng số quốc gia, sử dụng AI để dự báo và ra quyết định, tiếp tục giảm 30% đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung nguồn lực cho giáo dục, y tế chất lượng cao./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!