Lớp học làm người lớn

Những khóa học này được tổ chức tại trường Cao đẳng Cộng đồng Austin (ACC), bang Texas, Mỹ. Học viên được hướng dẫn thực hiện những điều cơ bản như cách xỏ chỉ vào kim, vài kiểu khâu khác nhau, cách vá áo rách và chỉnh lại gấu áo sờn.

ACC đã tổ chức các chương trình “Adulting 101” suốt 6 năm qua. Chủ đề đa dạng từ những điều cơ bản như cách ăn mặc khi phỏng vấn xin việc, đến những kỹ năng nâng cao như khai thuế thu nhập cá nhân. Học viên có độ tuổi từ 17 đến khoảng giữa 40.

“Chúng tôi muốn giúp mọi người đi qua tuổi trưởng thành một cách trọn vẹn,” đại diện nhà trường chia sẻ.





Ảnh minh họa: Economist

Ảnh minh họa: Economist

Chỉ khoảng một nửa dân số Mỹ hiểu được các nguyên tắc tài chính cơ bản nên những lớp học làm người lớn đang nở rộ. Cao đẳng cộng đồng, thư viện công và trung tâm sinh hoạt địa phương đều mở cửa đón người học. Trên YouTube, hàng loạt video hướng dẫn thay lốp xe, nấu cơm, hay nói lời chia tay được chia sẻ rộng rãi.

Các lớp “làm người lớn” tập trung ba lĩnh vực người Mỹ yếu nhất là việc nhà, các mối quan hệ và tiền bạc.

Sự lên ngôi của các lớp học này phản ánh sự thay đổi trong tuổi thơ hiện nay do ảnh hưởng mạnh mẽ từ môi trường kỹ thuật số và ít tiếp xúc bên ngoài. Thiếu niên Mỹ có thể dành tới 9 tiếng mỗi ngày trước màn hình. TikTok và YouTube có thể cung cấp nhiều mẹo vặt hữu ích nhưng phần lớn trẻ lại quan tâm thứ khác.

Nhà xã hội học Keith Hayward cho biết người trẻ ngày nay ít trưởng thành hơn so với thế hệ trước ở cùng độ tuổi. “Một sinh viên của tôi nói họ né tránh hôn nhân, mua nhà hay nuôi con vì làm người lớn… mệt”, Hayward kể và nói thêm văn hóa phương Tây đang nuông chiều những sở thích trẻ con.

Raffi Grinberg, cựu giảng viên khóa “Adulting 101” tại Đại học Boston, thú nhận cảm hứng giảng dạy các lớp này đến với anh từ chính ngày đầu đi làm. Anh và các đồng nghiệp mới phải tự chọn gói bảo hiểm y tế, quyết định mức tiết kiệm hưu trí và hàng loạt vấn đề tài chính khác.

“Tất cả bọn tôi đều chạy ra hành lang gọi điện về cho bố mẹ”, anh thú nhận. “Chúng tôi đều tốt nghiệp các trường danh giá, mà vẫn không biết phải làm gì”.

Từ trải nghiệm đó, anh biên soạn khóa học 14 tuần, sau này trở thành cuốn sách How to Be a Grown Up (Làm sao để thành người trưởng thành). Nội dung không chỉ gói gọn trong khâu vá hay khai thuế, còn đề cập đến triết lý trưởng thành, như học cách lắng nghe thay vì thích dạy đời.

Tương tự, nhà trị liệu tâm lý Rachel Weinstein, người từng điều hành “Trường làm người lớn” ở bang Maine, mở các lớp học sau giờ làm. Học viên tự chọn chủ đề, hôm học quản lý thời gian, hôm học mài dao.

“Nhiều bạn trẻ nhìn Instagram của người khác và nghĩ rằng ai cũng ổn định, chỉ mình là lạc đường”, cô nói.

Thế giới hiện đại khiến việc trưởng thành ngày càng phức tạp. Mở tài khoản ngân hàng thôi cũng đã là một mê cung lựa chọn. Yêu đương lại càng rối rắm. Một cú quẹt phải, quẹt trái trên ứng dụng hẹn hò có thể mở ra hoặc đóng sập một mối quan hệ. Người độc thân lớn tuổi có thể không biết bắt đầu từ đâu, còn người trẻ thấy việc chuyển từ trò chuyện online sang giao tiếp ngoài đời thật đáng sợ.

Nhiều người cho rằng các lớp học này là bằng chứng cho sự thiếu hụt kỹ năng sống cơ bản của người trẻ ngày nay. Tuy nhiên, thế hệ trẻ lại đang được quá chiều chuộng để biết các kỹ năng này cần thiết cho tuổi trưởng thành. Trớ trêu, chỉ những người trưởng thành mới dành thời gian quý báu để ngồi học mấy thứ nhàm chán như vá áo.

Bảo Nhiên (Theo Economist)