Người Việt ở nước ngoài hưởng ứng lễ 30/4

Cô gái 26 tuổi, quê Phú Yên mới sang Nhật hơn một năm. Hoài Nhớ tham gia câu lạc bộ múa thuộc Trung tâm nghệ thuật múa V-artists Tokyo để giao lưu với những đồng hương, vơi nỗi nhớ quê.

Được truyền cảm hứng bởi tinh thần 30/4 của người Việt ở trong nước, ngày 21/4 cô cùng các bạn trong câu lạc bộ mặc áo dài trắng, đeo khăn rằn, trình diễn tiết mục múa trên nền nhạc bài “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”, đăng lên mạng xã hội để hưởng ứng.

“Dịp 50 năm thống nhất đất nước, chúng tôi muốn những giai điệu Việt Nam vang lên ở nước bạn, như một cách gửi tình cảm, niềm tự hào về quê hương của người con xa xứ”, Nhớ nói.





.

Hoài Nhớ cùng các thành viên câu lạc bộ múa quay video múa những ca khúc hưởng ứng dịp lễ 30/4 trước ga Tokyo, tháng 4/2025. Video: Nhân vật cung cấp

Cũng tại tỉnh Saitama, Dương Thanh Hà, quê Bắc Giang, mang tình yêu Việt Nam vào hoạt động tập thể.

Dịp tốt nghiệp trường tiếng Nhật hồi tháng 3, Hà đứng ra làm biên đạo, hướng dẫn các bạn học Nhật Bản, Myanmar cùng biểu diễn bài “Tôi yêu Việt Nam”. Cô còn tự chuẩn bị áo dài cho các bạn nước ngoài, mong muốn bạn bè quốc tế cảm nhận vẻ đẹp văn hóa Việt.

“Tôi muốn họ hiểu hơn về Việt Nam, về tinh thần dân tộc qua bài nhảy”, Hà nói.

Dù việc tập luyện ban đầu gặp khó khăn do khác biệt văn hóa, kỹ năng, tiết mục hoàn thành sau một tuần nỗ lực, nhận nhiều tán thưởng khi trình diễn, giúp Hà và các bạn Việt Nam thêm tự hào.

Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên cập nhật các “trend” về lòng yêu nước, liên tục thực hiện các vũ đạo theo nhạc về Việt Nam để lan tỏa đến mọi người.

Người Việt Trẻ Ở Nước Ngoài Hưởng Ứng Lễ 50 Năm Thống Nhất

 
 

Thanh Hà (áo dài đỏ, quần trắng) cùng bạn bè đồng hương và quốc tế nhảy các ca khúc về Việt Nam, năm 2025. Video: Nhân vật cung cấp

Thanh Hằng, quê Lâm Đồng, du học tại Đại học Leicester (Anh) từ cuối năm 2024, xác định sẽ xa nhà trong các dịp quan trọng. Cô gái 24 tuổi chủ động mang theo áo dài, cờ Tổ quốc để hưởng ứng ngày vui của đất nước từ xa.

Trong chuyến leo núi Snowdonia ở Wales đầu tháng 4, cùng các du học sinh Việt khác, Hằng và nhóm bạn mang theo cờ Tổ quốc chụp ảnh tại đỉnh núi. Lá cờ cũng đồng hành suốt quãng đường, thu hút sự chú ý. Hằng còn mặc áo dài đến lớp, đến các địa điểm nổi tiếng như tháp Big Ben (London) ghi lại hình ảnh hưởng ứng.

Niềm tự hào về lá cờ Tổ quốc, như câu nói “Nếu niềm tự hào có màu sắc, đó là màu cờ đỏ sao vàng” mà Hằng tâm đắc, thôi thúc cô thể hiện lòng yêu nước qua những hành động nhỏ. Việc cô mặc áo dài hay mang theo cờ Tổ quốc khiến nhiều bạn bè quốc tế tò mò, hỏi thăm về sự kiện 30/4.

“Bất kỳ ai hỏi về ý nghĩa của màu cờ, sắc áo của Việt Nam, tôi sẽ nói cho họ về sự hy sinh mà thế hệ ông cha đã ngã xuống”, Hằng nói.





Thanh Hằng, 24 Tuổi, Quê Ở Lâm Đồng, Mặc Áo Dài, Chụp Ảnh Cùng Cờ Tổ Quốc Hưởng Ứng Lễ 30/4 Khi Đang Du Học Anh, Tháng 4/2025 Ảnh: Nhân Vật Cung Cấp

Thanh Hằng, 24 tuổi, quê ở Lâm Đồng, mặc áo dài, chụp ảnh cùng cờ tổ quốc hưởng ứng lễ 30/4 khi đang du học Anh, tháng 4/2025 Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ đầu tháng 4/2025, các nền tảng mạng xã hội xuất hiện hàng loạt video của người Việt trên khắp thế giới nhảy múa theo các bài nhạc thể hiện tinh thần yêu nước như “Máu đỏ da vàng”, “Tôi yêu Việt Nam”, “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”. Từ khóa “lễ 30 tháng 4”, “30thang4”, “VietNamtoiyeu” thu hút hàng chục triệu lượt xem, nhiều video đạt lượng tương tác lớn.

Thạc sĩ Lê Anh Tú, Giảng viên khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông, trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP. HCM (UEF), những buổi biểu diễn văn nghệ, mang theo biểu tượng quốc gia hay hưởng ứng trào lưu trên mạng xã hội không chỉ lan tỏa thông điệp tích cực mà còn cho thấy sự sáng tạo, năng động của người trẻ.

Theo ông, đây là cách thể hiện lòng yêu nước phù hợp bối cảnh hiện tại, giúp người trẻ kết nối cảm xúc, giảm bớt nỗi nhớ nhà, cùng hòa chung không khí kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước một cách ý nghĩa.

Nga Thanh – Quỳnh Nguyễn