Nhận diện để gỡ vướng pháp luật cho hoạt động sản xuất, kinh doanh

Quốc hội xem xét cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật Tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính: Đảm bảo vận hành chính quyền hai cấp thông suốt từ 1/7

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tư pháp vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và kiến nghị”, nhằm giải quyết thắc mắc và khó khăn cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú nêu rõ, các quy định pháp luật hiện nay vẫn còn chồng chéo, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai; thủ tục hành chính, cấp phép còn phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; nguồn lực, cơ chế tài chính chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhiều hiệp hội, ngành hàng, đại diện các doanh nghiệp đã lên tiếng về những khó khăn do vướng mắc thủ tục hành chính bất hợp lý, vì vậy cần phối hợp, chia sẻ thông tin để tìm ra giải pháp hiệu quả.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật liên quan; hướng dẫn áp dụng pháp luật, xây dựng các cơ chế, hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng pháp luật; sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để tháo gỡ vướng mắc; ban hành nghị quyết xử lý các vấn đề cấp bách…

Nhận Diện Để Gỡ Vướng Pháp Luật Cho Hoạt Động Sản Xuất, Kinh Doanh
Toàn cảnh hội thảo.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cũng cho rằng cải cách pháp luật kinh doanh cần được đẩy nhanh và toàn diện, vì hiện nhiều quy định đang chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Tuấn, có những quy định đã phát sinh bất cập từ lâu nhưng vẫn tồn tại suốt hơn một thập kỷ, gây ra hệ lụy lớn cho hoạt động đầu tư và vận hành doanh nghiệp.

Theo VCCI, các vướng mắc được phản ánh rất đa dạng, trong nhiều ngành, lĩnh vực, vướng mắc cả trong quy định và thực thi, có trong các văn bản pháp lý khác nhau, từ luật đến nghị định, thông tư. Trong đó, các phản ánh liên quan đến thuế, hóa đơn, thủ tục hành chính chiếm phần lớn…

Tham luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Chung nêu rõ những điểm nghẽn, đặc biệt là sự chồng chéo và thời gian xử lý kéo dài của một số thủ tục quan trọng, gây khó khăn đáng kể cho nhà đầu tư.

Cụ thể như về vướng mắc trong thủ tục đầu tư tại khu công nghiệp, ông Chung cho hay, mặc dù quy trình cấp phép đầu tư tại khu công nghiệp đã có nhiều cải tiến, song vẫn tồn tại những điểm nghẽn, đặc biệt là sự chồng chéo và thời gian xử lý kéo dài của một số thủ tục quan trọng, gây khó khăn đáng kể cho các nhà đầu tư.

Các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường là những đạo luật cốt lõi chi phối toàn bộ vòng đời của một dự án đầu tư. Tuy nhiên, các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền lại chưa thực sự đồng bộ và liên thông.

Chẳng hạn, việc thẩm định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư, thẩm định nhu cầu sử dụng đất theo Luật Đất đai, thẩm định thiết kế cơ sở theo Luật Xây dựng, và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường thường diễn ra độc lập, không có sự phối hợp chặt chẽ về mặt thời gian và nội dung.

Điều này buộc nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước lặp lại, nộp hồ sơ trùng lặp, hoặc chờ đợi lẫn nhau giữa các khâu, làm chậm đáng kể tiến độ triển khai dự án…

Vì vậy, ông Chung kiến nghị khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch, mục tiêu là tạo ra một quy trình liên thông, rút ngắn tối đa thời gian cho nhà đầu tư.

Đồng thời nghiên cứu và xây dựng một nền tảng cơ sở dữ liệu pháp lý quốc gia tập trung, dễ dàng tra cứu, cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh để doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin một cách thuận tiện và chính xác nhất.

Tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt là rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ liên quan đến đất đai (giải phóng mặt bằng, xác định giá đất) và xây dựng (thẩm định thiết kế, cấp phép)…

Ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc Chiến lược & Phát triển Masan Group cho biết, ngành khoáng sản Việt Nam hiện đang đối mặt với chi phí thuế, phí cực kỳ cao, chiếm tới 40 – 60% doanh thu, trong khi mức trung bình quốc tế chỉ từ 3 – 8%. Nguyên nhân xuất phát từ hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, thậm chí có quy định đối nghịch nhau.

Cụ thể, doanh nghiệp phải cùng lúc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (theo Luật Địa chất và khoáng sản 2024) và thuế tài nguyên (theo Luật Thuế Tài nguyên 2009). Theo ông Nam Anh, bản chất là một, nhưng quy định lại nằm ở hai Luật khác nhau, gây trùng lặp và còn khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo Nghị định 181/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, nhiều sản phẩm khoáng sản chế biến sâu khi xuất khẩu lại không được hoàn thuế giá trị gia tăng…

Theo ông Nam Anh, những bất cập này cần được sửa đổi đồng bộ cùng với Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 để tạo ra một hành lang pháp lý hiệu quả, thúc đẩy khai thác bền vững và có giá trị gia tăng cao.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú, cần tập trung vào các điểm nghẽn thực sự, thay vì chỉ loay hoay với những vụ việc cá biệt. Vướng mắc của vụ việc cụ thể thì có cơ chế xử lý riêng, còn ở đây là các vướng mắc xuất phát từ chính quy định của pháp luật cần có quyết tâm và trọng tâm, trọng điểm để tháo gỡ.

Để lại một bình luận