Nuôi cả gia đình bằng nghề khóc thuê

Cổ họng khản đặc nhưng người phụ nữ 50 tuổi nói không có gì phải xấu hổ. “Nghề này phải quỳ mà làm, nhưng kiếm tiền bằng sức lao động là đứng mà sống”, cô triết lý.

Zhang Jinfeng từng là nghệ sĩ opera có tiếng tại các sân khấu làng quê. Biến cố ập đến khi con trai cô kinh doanh thất bại, nợ chồng chất; cha mẹ chồng cần thuốc men liên tục, ba đứa cháu gái còn thơ dại.

Cô rời ánh đèn sân khấu, chuyển sang nghề khóc thuê.

Khách hàng đầu tiên là gia đình của một cụ ông xa lạ. Zhang phải quỳ khóc trên nền xi măng lạnh lẽo. Đêm đó cô về nhà với đầu gối tím bầm, suốt một tuần không thể lên xuống cầu thang.

Zhang Jinfeng luôn tự đặt yêu cầu phải khóc sao cho “có sức lan tỏa, khiến người nghe cảm động”, khơi dậy lòng biết ơn, hiếu thuận với cha mẹ. “Khóc thuê thực ra là truyền năng lượng tích cực, là nhắc người ta sống tử tế hơn”, cô nói.

Cô chưa từng rơi vào tình huống không khóc được. Dù người mất không phải họ hàng, chỉ cần thấy di ảnh, bà lập tức rơi lệ. Hơn nữa sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật lại theo nhạc kịch từ 13 tuổi, cô có nền tảng về nhạc lý và lời ca. Chuyển sang khóc mướn, Zhang có thể trong nửa tiếng viết nên một bài hát tiễn biệt, kể trọn cuộc đời người đã khuất và chạm đến lòng người.

Có lần, cô khóc thuê cho một ông cụ độc thân, không con cái. Trong phần biểu diễn, cô cất lời: “Trước khi nhắm mắt, ông vẫn không quên cây táo trước sân”. Chỉ một câu, những người thân bên linh cữu oà khóc nức nở.





Bà Zhuang Khóc Mướn Trong Một Đám Tang Tháng 3/2025, Ở Tỉnh Hà Nam. Ảnh: Jiupai News

Bà Zhuang khóc mướn trong một đám tang tháng 3/2025, ở tỉnh Hà Nam. Ảnh: Jiupai News

Nhờ khóc hiệu quả, người đặt hàng ngày càng nhiều. Vào mùa cao điểm, Zhang Jinfeng có ngày phải khóc ba đám. Mỗi buổi có thu nhập từ 800 đến 1.000 tệ (2,8 đến 3,5 triệu đồng). Trung bình mỗi tháng cô nhận hơn 20 đơn.

Công việc ổn, thu nhập cao, nửa năm nay Zhang đưa con trai Wang Yu theo nghề. Hai mẹ con chủ yếu làm việc tại thành phố Hứa Xương, Trịnh Châu, Sơn Tây, Sơn Đông.

Nhiều người nhìn nghề khóc thuê bằng ánh mắt thương hại. Nhưng Zhang Jinfeng cho biết “đã sống với nó một cách đầy tự trọng”. Trong các video ngắn, cô nói với khán giả “Khóc thuê không phải để kể khổ, mà để nhắc nhở mọi người sống tử tế!”.

Cô nhớ một lần được mời đến khóc trước cho một người phụ nữ mắc ung thư giai đoạn cuối sắp qua đời. Nghe xong, người phụ nữ ấy nắm tay Zhang Jinfeng nói “Em đã giúp chị thấy đời mình sống thật đáng!”.

Giờ đây, Zhang trở thành cái tên quen thuộc trong nhiều đám tang. “Tiếng khóc của cô ấy mang theo cả hơi ấm của tình người”, một chủ nhà nói.

Bảo Nhiên (Theo Jiupai News)