Thả lưới bắt ghẹ trên sông Trường Giang

Cồn Giữa trên sông Trường Giang rộng hàng chục ha thuộc ba xã Tam Hiệp, Tam Giang, Tam Hải, huyện Núi Thành. Khu vực này gần cửa biển An Hòa, nước lợ, mùa hè độ mặn cao nên ghẹ xanh từ biển vào ẩn nấp trong bùn cát.

Thả lưới bắt ghẹ ở sông Trường Giang

 
 

Hàng chục ngư dân thả lưới bắt ghẹ trên sông Trường Giang. Video: Sơn Thủy

Thời điểm thủy triều lên, nước sông chảy mạnh, ghẹ di chuyển tìm kiếm thức ăn. Với các cặp chân dẹp tựa như mái chèo, ghẹ bơi rất nhanh. Người dân thường bắt ghẹ bằng cách thả lưới.

4h ngày cuối tháng 5, ông Trần Nga, 70 tuổi, trú xã Tam Giang cùng vợ mang hơn 10 tấm lưới rời nhà ra bờ sông. Hai người lên chiếc ghe gỗ dài 5 m, chất đầy ngư cụ bắt đầu một ngày mưu sinh.

Trời chưa tỏ rạng, họ khua mái chèo đẩy ghe lướt trên mặt nước, đi hơn 30 phút thì ra đến Cồn Giữa. Khi thủy triều lên cồn chìm, thủy triều xuống lộ ra những bãi bùn cát. Đây là khu vực ghẹ sinh sống nhiều nhất trên sông.





Vợ chồng ông Nga thu lưới bắt ghẹ. Ảnh: Sơn Thủy

Vợ chồng ông Nga thu lưới bắt ghẹ. Ảnh: Sơn Thủy

Người dân theo nghề bắt ghẹ phải sắm ghe, đầu tư mỗi tấm lưới 400.000 đồng, dài 100 m, sử dụng khoảng 3 tháng. “Nghề này không đòi hỏi kỹ thuật gì nhiều, song phải thức khuya dậy sớm và đội nắng cả ngày trên sông”, ông Nga nói.

Giữa nước mênh mông, vợ ông Nga thả cục xốp trắng xuống nước. Hơn một giờ, 10 tấm lưới tạo thành hàng dài một km theo kiểu dích dắc. “Ghẹ sống ở tầng đáy nên lưới được kết chì nặng, khi thả xuống nằm dưới đáy sông. Khi di chuyển, ghẹ mắc lưới”, ông Nga giải thích. Trong năm chỉ mùa hè mới có ghẹ, đến mùa mưa, nước ngọt nhiều, độ mặn thấp thì chúng rời sông ra biển.

Mặt trời ló rạng, vợ chồng ông Nga thả hết số lưới rồi về nhà ăn sáng. Sau ba giờ nghỉ ngơi, họ chèo ghe thu lưới. Chồng chèo lái, vợ ngồi giữa kéo lưới. Để gỡ ghẹ, vợ ông Nga phải cẩn thận để tránh bị nó kẹp tay và làm gãy chân ghẹ. “Ghẹ gãy chân bán không được mấy tiền. Vì thế thà rách lưới chứ không để mất chân, càng của chúng”, ông giải thích.





Một con ghẹ mắc lưới được gỡ ra bắt. Ảnh: Sơn Thủy

Một con ghẹ mắc lưới được gỡ ra bắt. Ảnh: Sơn Thủy

Đến gần trưa, số lưới thu xong, vợ chồng ông Nga bắt được 4 kg ghẹ, bán cho thương lái 150.000 đồng/kg. Trọng lượng mỗi kg ghẹ khoảng 15 con.

Sinh sống ven sông Trường Giang, anh Đỗ Duy Khánh, 41 tuổi, xã Tam Hải cùng đồng nghiệp hơn 10 năm qua đến mùa hè mang lưới ra sông thả lưới bắt ghẹ. “Hôm nào nước chảy mạnh, ít gió thường đánh bắt được nhiều. Hôm đó cứ sau ba giờ lại dỡ lưới một lần, gỡ ghẹ rồi thả lưới tiếp. Còn hôm nào gió lớn, sứa, rác thải mắc vào lưới thì được ít ghẹ, đến trưa phải thu lưới về”, anh nói.

Thả lưới trên sông thường mắc phải gốc, cành cây chảy theo dòng nước. Ngoài ra, rác thải dễ tấp vào lưới, ngư dân mất khá nhiều thời gian gỡ. Có những nơi nước sâu, lưới mắc chặt buộc phải bỏ lưới.

Sau bốn giờ thả lưới, anh Khánh thu được 5 kg ghẹ, bán hơn 700.000 đồng. Ngày may mắn, mỗi ghe như của ông Nga, anh Khánh có thể kiếm được hơn một triệu đồng, song có hôm chỉ bắt được vài con. Ngoài bắt ghẹ, thỉnh thoảng họ bắt được cá, cua tăng thêm thu nhập.





Anh Khánh thu lưới sau bốn giờ thả. Ảnh: Sơn Thủy

Anh Khánh thu lưới sau bốn giờ thả. Ảnh: Sơn Thủy

Ghẹ xanh có tên khoa học Portunus pelagicus hay ghẹ hoa, ghẹ càng xanh, kích thước nhỏ hơn ghẹ đỏ. Ghẹ xanh đực vỏ màu lam sáng với các đốm trắng và càng dài, trong khi ghẹ cái màu nâu xỉn, mai thuôn tròn hơn. Ghẹ xanh giàu giá trị dinh dưỡng, được nhiều người ưa chuộng.

Sơn Thủy