Thay đổi quan trọng về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Quốc tịch, nới lỏng điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam Đại biểu Quốc hội: Cần nới lỏng việc nhập quốc tịch để thu hút nhân tài

Theo đó, trường hợp thứ nhất là công dân nước ngoài và người không quốc tịch có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

(a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp là người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ, người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam;

(b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

(c) Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam;

(d) Đang thường trú ở Việt Nam;

(đ) Thời gian thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

(e) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

Trường hợp thứ hai là người xin nhập quốc tịch Việt Nam có vợ hoặc chồng hoặc có con đẻ là công dân Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải đáp ứng các điều kiện c, đ và e nêu trên.

Thay Đổi Quan Trọng Về Điều Kiện Nhập Quốc Tịch Việt Nam
Sở Tư pháp Hà Nội trao quyết định nhập quốc tịch cho công dân.

Trường hợp thứ ba là người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong những trường hợp sau đây thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải đáp ứng các điều kiện c, d, đ và e nêu trên:

– Có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam;

– Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

– Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Là người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ.

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam, đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài thì có thể lựa chọn tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài. Tên do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc trường hợp thứ hai và ba sẽ được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện sau đây và được Chủ tịch nước cho phép: Việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó; không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, Luật Quốc tịch mới đã mở rộng nhóm đối tượng được miễn một số điều kiện khi xin nhập quốc tịch. Trước đây, theo Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, chỉ những người là vợ, chồng, cha, mẹ, con của công dân Việt Nam mới được xét miễn các điều kiện như: Biết tiếng Việt, thường trú đủ 5 năm và có khả năng bảo đảm cuộc sống.

Nay, Luật mới bổ sung thêm đối tượng là những người có ông bà nội, ông bà ngoại là công dân Việt Nam cũng được xét miễn các điều kiện trên khi xin nhập quốc tịch.

Quy định mới cũng bổ sung đối tượng người chưa thành niên xin nhập quốc tịch theo cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thì không bắt buộc phải chứng minh năng lực tài chính, khả năng ngôn ngữ hay thời gian cư trú.

Ngoài ra, quy định mới còn cho phép người nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn tên gọi linh hoạt hơn. Không chỉ được chọn tên tiếng Việt, họ còn có thể sử dụng tên bằng tiếng dân tộc Việt Nam hoặc tên ghép với tên nước ngoài nếu được giữ quốc tịch cũ.

Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, khi thảo luận về Luật Quốc tịch, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao những đổi mới này. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cần phải mở rộng diện người Việt Nam sẽ có hai quốc tịch. Bởi hiện nay, trên thế giới, người Việt Nam ở nước ngoài có gần 6 triệu người và trong quan điểm của Đảng, Nhà nước đang muốn thu hút lực lượng trí thức, tinh hoa của người Việt Nam ở nước ngoài về để cống hiến cho đất nước. Do đó, việc để cho người Việt Nam ở nước ngoài trở về quốc tịch Việt Nam có 2 quốc tịch là hoàn toàn hợp lý…

Bên cạnh đó, Luật Quốc tịch sửa đổi đã giải quyết tình trạng pháp lý của trẻ em dưới 18 tuổi là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho phép các em nhập quốc tịch Việt Nam theo cha/mẹ. Theo đại biểu Dương Khắc Mai, việc cho phép trẻ em chưa đủ 18 tuổi nhập quốc tịch Việt Nam theo cha, mẹ hoặc có cha, mẹ là người Việt Nam là rất hợp lý và cần thiết. Điều này không chỉ phù hợp với Hiến pháp, tinh thần nhân đạo mà còn thể hiện sự cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế về quyền trẻ em…

Để lại một bình luận