Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên

Sáng nay (19/5) tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) tại trước nút giao Dự án với đường Trường Sa (lý trình Km4+400).

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên - Ảnh 1.

Thủ tướng mong muốn cây cầu phải là một điểm nhấn kiến trúc, tạo cảnh quan đẹp, xứng tầm và tôn vinh Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình – Ảnh: VGP

Việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có vai trò quan trọng để kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên thông qua đường cao tốc Hà Nội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giãn dân số, giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Tuy và giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi, đồng thời từng bước hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho Thủ đô và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng.

Dự án cầu Tứ Liên được xác định là một dự án quan trọng, phục vụ kết nối với Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và tuyến đường từ sân bay Gia Bình về trung tâm TP Hà Nội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại lễ khởi công – Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Đây là công trình cầu vượt sông Hồng đầu tiên khởi công trong năm 2025. Đồng thời, UBND TP Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và tiến hành khởi công một loạt 6 công trình cầu lớn, để cũng khởi công trong năm nay, như: cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc”.

TP Hà Nội đã tổ chức phân luồng hồ sơ, rút ngắn thời gian xử lý công việc bằng việc ban hành cơ chế ưu tiên “làn xanh” xử lý ngay văn bản trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ; Quyết định việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu tư vấn vượt hạn mức chỉ định thầu (áp dụng Nghị định số 17/2025/NĐ-CP ngày 06/2/2025 của Chính phủ). Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên đã tạo động lực mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu – Ảnh: VGP

Để Dự án được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị: Chủ đầu tư và nhà thầu tập trung nguồn lực thi công đảm bảo chất lượng, an toàn, tiến độ; UBND các quận, huyện Tây Hồ, Long Biên và Đông Anh: Tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại thuộc phạm vi dự án theo quy trình, quy định để sớm bàn giao mặt bằng sạch; Các sở, ngành tham mưu kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo dự án triển khai thông suốt trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền mới (áp dụng từ ngày 01/7/2025).

Cầu Tứ Liên công trình cầu biểu tượng của TP Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên - Ảnh 4.

Sau khi hoàn thành vào năm 2027 cầu Tứ Liên sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của TP Hà Nội.

Cầu Tứ Liên có thiết kế kiến trúc dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc, sau khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của TP Hà Nội.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) được phê duyệt gồm 4 Dự án thành phần, trong đó bao gồm 3 Dự án thành phần giải phóng mặt bằng (GPMB) và 1 Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn. Tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án khoảng 19.830 tỷ đồng. Tổng chiều dài Dự án khoảng 5,15km, điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, điểm cuối kết nối với đường Trường Sa.

Các Dự án thành phần GPMB trên quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên, Đông Anh, (trên địa bàn 7 phường, xã: Quảng An, Yên Phụ, Tứ Liên, Ngọc Thụy, Xuân Canh, Đông Hội) có tổng mức đầu tư khoảng 4.332 tỷ đồng. Tổng diện tích thu hồi, GPMB khoảng 62,53ha với tổng số dự kiến khoảng 701 trường hợp thu hồi đất (412 trường hợp đất ở, 280 trường hợp đất nông nghiệp và đất của các tổ chức, đất công), trong đó dự kiến tái định cư khoảng 257 trường hợp đất ở và tái định cư chùa Long Đọi.

Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa). Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội. Tổng mức đầu tư khoảng 15.498 tỷ đồng. Đường dẫn đầu cầu phía Nghi Tàm rộng 48m, phía Đông Anh rộng 60m. Đầu tư xây dựng các cầu: cầu chính Tứ Liên dây văng rộng 43m (kết cấu dầm thép nhịp chính 500m, trụ tháp cao 185m), cầu đúc hẫng, cầu thép; 2 nút giao với đường Nghi Tàm và nút giao với đường Trường Sa, hầm chui và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hè đường, chiếu sáng, kiến trúc, cây xanh. TP Hà Nội phấn đấu thực hiện hoàn thành dự án vào năm 2027 theo đúng tiến độ đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!