Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo, phục vụ

Ngày 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025 để xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng liên quan các dự án luật, đề nghị xây dựng luật và phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo, cho ý kiến xử lý các vướng mắc phát sinh trong xây dựng các Nghị định về phân cấp, phân quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Các thành viên Chính phủ nhất trí phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đặc biệt, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến xây dựng 2 dự án luật và 4 Đề nghị xây dựng Luật gồm: Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp (sửa đổi); Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); Luật Dân số.

Các thành viên Chính phủ thảo luận sôi nổi các nội dung của các dự án luật, Đề nghị xây dựng Luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý về thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; nâng cao chất lượng giám định tư pháp, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước và tính nhân đạo trong giáo dục cải tạo phạm nhân; bảo đảm việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân; tạo cơ sở pháp lý để giải quyết toàn diện công tác dân số…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu; yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Chính phủ; đồng thời tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động và tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để hoàn thiện các dự án luật.

Cho ý kiến vào dự án Luật thi hành về án hình sự (sửa đổi); dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú và Đề nghị xây dựng Luật giám định tư pháp (sửa đổi), Thủ tướng đồng tình với quy định luật hóa lao động phạm nhân, đây là một biện pháp để phạm nhân cải tạo.

Trong đó, quy định nộp tiền tại trại giam, Thủ tướng cho rằng phải linh hoạt, có hóa đơn của cấp có thẩm quyền. Đối với quy định phạm nhân nhận quà nên đề xuất lưu ký bằng tiền. Đối với phạm nhân tâm thần phải có chỗ chữa bệnh và giam giữ riêng.

Vấn đề giám định tư pháp, Thủ tướng thống nhất với các đề xuất Bộ Công an với những vấn đề có tính chất chuyên ngành; khó thì các cơ quan đang làm tốt tiếp tục làm, còn lại xã hội hóa về công tác giám định. Đồng thời, Thủ tướng cho rằng, giám định tư pháp là một nghề; vì vậy phải được quy định chặt chẽ, có chế độ chính sách với người làm giám định.

Về đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng đề nghị thống nhất lấy ngày 31/5 hằng năm phát động phong trào thi đua toàn quốc về tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để chống lãng phí.

Về dự án Luật An toàn thực phẩm, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân nên Bộ Y tế phải chủ trì; các bộ, ngành khác phối hợp để vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển. Trước mắt, các bên liên quan nhanh chóng sửa Nghị định 15 để giải quyết những vấn đề cấp bách mà nhân dân đang đòi hỏi, quá trình quản lý đang sơ hở, thực tế còn bất cập… nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Với đề nghị xây dựng Luật Dân số, Thủ tướng yêu cầu phải có chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế để thúc đẩy chuyển trạng thái từ kế hoạch hóa dân số sang trạng thái dân số phát triển; ngăn chặn già hóa dân số; vừa đảm bảo số lượng, vừa đảm bảo chất lượng dân số; khuyến khích sinh con theo quy định của pháp luật, đồng thời khuyến khích nâng cao thể lực, trí tuệ của con người Việt Nam.

Thủ tướng lưu ý, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn lực cao nhất và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng thể chế; quyết tâm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế trong năm 2025; chủ động phố hợp với các cơ quan của Quốc hội rà soát, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật.

Lưu ý, quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đảm bảo thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng như “bộ tứ chiến lược” mà Bộ Chính trị vừa ban hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, việc xây dựng pháp luật trên tinh thần 7 rõ: Đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa như thế nào; những vấn đề thực tiễn pháp luật chưa quy định là gì; những vấn đề gì pháp luật đã quy định nhưng chưa phù hợp; những nội dung vướng mắc cần tháo gỡ là gì; việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính như thế nào; việc phân cấp, phần quyền như thế nào; các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần xem xét.

Thủ tướng chỉ rõ, phải đổi mới căn bản tư duy từ thụ động, tập trung vào quản lý “không quản lý được thì cấm” sang tư duy “chủ động, linh hoạt, để kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp”. Thủ tướng nhấn mạnh, Luật cần quy định theo hướng là khung, những gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hóa; những vấn đề đang biến động, vấn đề về kinh tế, phụ thuộc vào các yếu tố khách quan và diễn biến rất nhanh, khó lường thì xây dựng nghị định, hướng dẫn của các bộ, ngành.

Phân tích các trường hợp cụ thể trong áp dụng pháp luật, Thủ tướng đề nghị đổi mới xây dựng pháp luật cần tập trung vào triệt để phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và thiết kế công cụ giám sát; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính không cần thiết; xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, tăng cường tính dự báo; rà soát các luật hiện hành, dùng một luật sửa nhiều luật để kịp thời phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan tiếp tục dành ưu tiên cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật; tiếp tục tham khảo, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các đối tượng bị tác động, các chuyên gia, nhà khoa học.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng giải trình, báo cáo các nội dung xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV để Quốc hội xem xét, thông qua. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, cơ quan chuẩn bị các dự án luật để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10 đảm bảo tiến độ, chất lượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!