Vai trò mới nâng tầm sứ mệnh

Tháng Công nhân 2025: Khẳng định vai trò tổ chức Công đoàn, lan tỏa tinh thần tiên phong, sáng tạo Tổng LĐLĐ Việt Nam gặp mặt cán bộ chủ chốt Công đoàn qua các thời kỳ Hơn 1,4 triệu lượt đoàn viên được Công đoàn hỗ trợ trên 265 tỷ đồng

Nâng tầm sứ mệnh Công đoàn

Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Việc tổ chức Công đoàn chính thức trở thành thành viên của MTTQ Việt Nam từ ngày 1/7/2025 là một bước ngoặt lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng chặt chẽ, thực chất và hiệu quả hơn. Trong vị thế mới này, Công đoàn không còn chỉ là một tổ chức đại diện cho quyền lợi người lao động trong quan hệ lao động thuần túy, mà trở thành một bộ phận hữu cơ trong hệ thống chính trị – xã hội rộng lớn hơn, nơi tiếng nói của người lao động được kết nối sâu sắc hơn với ý chí và nguyện vọng của toàn dân tộc.

Vai Trò Mới Nâng Tầm Sứ Mệnh
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được hiệp thương cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Về với MTTQ Việt Nam không phải là “thu hẹp” vai trò của Công đoàn, mà ngược lại, là mở rộng không gian hoạt động và nâng tầm sứ mệnh. Công đoàn sẽ không chỉ là người bảo vệ quyền lợi, mà còn là người kết nối, người khơi dậy, người lan tỏa – để mỗi công nhân, người lao động không chỉ cảm thấy được quan tâm mà còn thấy mình là một phần không thể thiếu của cộng đồng, của đất nước. Trong Mặt trận, Công đoàn sẽ đóng vai trò như một “trụ cột mềm” – nơi nắm bắt tâm tư, khơi thông ý chí, định hướng hành động của lực lượng lao động – vốn là lực lượng to lớn, năng động và có tính quyết định trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Chính vì vậy, vị thế của tổ chức Công đoàn trong hệ thống Mặt trận là một vị thế rất đặc biệt: Vừa gần dân, sát dân, hiểu dân, vừa có năng lực tập hợp, định hướng, giám sát và kiến tạo. Đó là vị thế của một tổ chức đại diện cho hàng triệu người lao động – những người đang trực tiếp góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – nay được nâng tầm để cùng các thành viên khác trong Mặt trận hợp lực xây dựng xã hội đồng thuận, phát triển và nhân văn hơn. Đây là một cơ hội quý giá để Công đoàn không chỉ là tổ chức của người lao động, mà còn là tổ chức vì sự phát triển bền vững của cả cộng đồng và đất nước.

Để khẳng định vai trò của tổ chức trong vị thế mới – khi đã trở thành thành viên chính thức của MTTQ Việt Nam – theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, tổ chức Công đoàn cần mạnh dạn đổi mới tư duy, cách làm và phương thức hoạt động, không thể tiếp tục vận hành theo mô hình hành chính khô cứng hay chỉ tập trung vào các hoạt động phong trào hình thức. Công đoàn phải thực sự là tiếng nói đại diện, là nhịp cầu kết nối giữa người lao động với Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Trước hết, Công đoàn cần nâng cao năng lực phản biện, giám sát và đề xuất chính sách – không chỉ trong phạm vi đời sống công nhân mà còn trên bình diện rộng hơn: Chính sách an sinh, giáo dục, y tế, nhà ở, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu và tái cấu trúc nền kinh tế. Mỗi ý kiến từ cơ sở, mỗi phản ánh của người lao động cần được tổng hợp, phân tích và truyền tải đến đúng nơi, đúng lúc, thể hiện vai trò trung tâm của Công đoàn trong hệ sinh thái dân chủ và đồng thuận xã hội.

Thứ hai, tổ chức Công đoàn cần trở thành điểm tựa tinh thần và động lực phát triển cho người lao động. Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, Công đoàn còn phải khơi dậy niềm tin, khát vọng vươn lên, cổ vũ học tập suốt đời, làm chủ công nghệ, hội nhập quốc tế – để người lao động không chỉ “có việc làm”, mà còn “có tương lai”. Muốn vậy, cán bộ Công đoàn cần gần dân hơn, chủ động hơn, biết lắng nghe hơn và có năng lực thuyết phục bằng hành động, bằng uy tín và bằng sự chân thành.

Thứ ba, trong hệ thống Mặt trận, Công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên khác để phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân. Là nơi có mạng lưới sâu rộng từ trung ương đến cơ sở, Công đoàn có lợi thế lớn trong việc truyền thông chính sách, lan tỏa tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân, và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Việc gắn bó mật thiết với Mặt trận sẽ giúp Công đoàn thực hiện tốt hơn vai trò này – như một kênh truyền dẫn của sự đồng thuận và niềm tin trong xã hội.

Cuối cùng, Công đoàn cần lấy người lao động làm trung tâm và thước đo của mọi hoạt động. Mỗi sáng kiến, mỗi chương trình, mỗi chính sách của Công đoàn cần xuất phát từ cuộc sống thực tiễn, từ nhu cầu thực chất của đoàn viên, và hướng đến việc nâng cao chất lượng sống, chất lượng làm việc, và phẩm giá của người lao động Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ khi nào người lao động cảm thấy Công đoàn là tổ chức của mình, vì mình và vì tương lai chung, thì khi đó vai trò của Công đoàn trong Mặt trận mới thật sự được khẳng định bền vững.

“Sứ mệnh đã thay đổi, nhưng gốc rễ vẫn nguyên vẹn: Đó là phụng sự nhân dân, đồng hành cùng đất nước. Trong vị thế mới, tổ chức Công đoàn sẽ không chỉ tiếp tục hành trình vẻ vang đã có, mà còn mở ra một chương mới đầy hứa hẹn – chương của sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Vị thế Công đoàn ngày càng được nâng lên

Trải qua 96 năm hình thành và phát triển (28/7/1929 – 28/7/2025), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Công đoàn Việt Nam đã phát huy vai trò, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, hào hùng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn và của cả dân tộc Việt Nam.

Vai Trò Mới Nâng Tầm Sứ Mệnh
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao khen thưởng tới các tập thể được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam, với chủ đề 20 năm khơi nguồn sức mạnh Việt Nam.

96 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ đại hội, với các tên gọi khác nhau, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh toàn diện. Trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, các cấp Công đoàn đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Hoạt động của các cấp Công đoàn dần đi vào chiều sâu, bám sát chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, trong đó tập trung thực hiện chức năng cốt lõi là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Trong tiến trình lịch sử vẻ vang của mình, Công đoàn Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước rộng khắp; thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng giai cấp công nhân, giới thiệu số lượng lớn đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và đào tạo cung cấp được nhiều cán bộ xuất sắc để Đảng, Nhà nước phân công, bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị.

Chia sẻ tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 7, nhiệm kỳ 2023 – 2028, diễn ra tại Hải Phòng mới đây, đồng chí Đỗ Văn Chiến – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Theo số liệu thống kê, có 99,75% ý kiến tán thành vào dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong đó có 3 điều liên quan tới MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội: Điều 9, Điều 10 và Điều 84. Điều này một lần nữa khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn được nâng lên, nội dung Điều 10 khẳng định tổ chức Công đoàn là đại diện duy nhất của Công đoàn và quan hệ lao động cấp quốc gia và quốc tế.

“Vị thế của tổ chức Công đoàn đang được nâng lên. Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động, điều đó thể hiện sự ghi nhận những đóng góp của tổ chức Công đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Để lại một bình luận