Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng, thi hành pháp luật

Sáng 17/5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật với tỷ lệ 416/443 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Việc ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025; nhiều cơ chế, chính sách vượt trội, đặc biệt nêu tại dự thảo Nghị quyết đã thể hiện rõ tư duy đổi mới mạnh mẽ, đặt công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật đúng tầm mức là “đột phá của đột phá” trong hoàn hiện thể chế phát triển.

Nghị quyết sẽ khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính; bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Qua đó, tạo bước đổi mới đột phá, chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Dự thảo Nghị quyết được kết cấu thành 12 Điều với phạm vi điều chỉnh là quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

Trước khi Nghị quyết được thông qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, một số ý kiến đề nghị cần gắn việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Chính phủ đã tiếp thu, chỉnh lý Điều 3 theo hướng: bổ sung khoản 1 nguyên tắc “bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 3 về “bảo đảm áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt đúng đối tượng, quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết này”.

Bên cạnh đó, bổ sung nguyên tắc mang tính chế tài tại khoản 4: “Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật, một số ý kiến đề nghị cơ chế vận hành Quỹ cần bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật khi cho phép tiếp nhận nguồn kinh phí xã hội hóa từ tổ chức, cá nhân trong nước.

Về vấn đề này, Chính phủ tiếp thu, giải trình như sau: Việc thành lập Quỹ chủ yếu để hỗ trợ nghiên cứu chính sách từ sớm, nhằm chủ động đánh giá, lựa chọn chính sách làm cơ sở xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị ; không tập trung hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể (trừ trường hợp một số ít dự án, nhiệm vụ, hoạt động cần bổ sung kinh phí). 

Do vậy, dù Quỹ được tiếp nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhưng không phải để tài trợ trực tiếp cho các dự án luật nên khó có điều kiện tác động cụ thể tới các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp thu, quy định chặt chẽ các điều kiện trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết (như dự kiến mời đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia Hội đồng quản lý Quỹ), bảo đảm quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!