Ung thư đại trực tràng gia tăng, ai có nguy cơ cao?

Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh?

Tiến sĩ – bác sĩ Ung Văn Việt, Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến của đường tiêu hóa, việc phát hiện và điều trị khi bệnh ở giai đoạn càng sớm sẽ cho kết quả tốt trong thời gian dài.

Ung thư đại trực tràng đang trở thành gánh nặng y tế toàn cầu, đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và thứ 2 về tử vong theo thống kê GLOBOCAN 2022. Tại Việt Nam, căn bệnh này ngày càng trẻ hóa. Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) ước tính rằng chỉ riêng trong năm 2025, sẽ có 154.000 ca ung thư đại trực tràng mới được chẩn đoán tại quốc gia này.

“Những trường hợp có nguy cơ cao mắc ung thư này là người có tiền căn polyp tuyến, polyp răng cưa không cuống, viêm ruột…”, bác sĩ Việt cho hay.

Ngoài ra, người bệnh tiểu đường hay ung thư vú cũng được xem là trường hợp dễ mắc ung thư đại trực tràng hơn người bình thường.

Ung Thư Đại Trực Tràng Gia Tăng, Ai Có Nguy Cơ Cao? - Ảnh 1.

Cần chú ý khi có các biểu hiện nghi ngờ cảnh báo như thay đổi thói quen đi cầu, đau quặn bụng…

Ảnh: AI

Những phương pháp giúp tầm soát sớm ung thư đại trực tràng là xét nghiệm phân, tìm máu ẩn trong phân, xét nghiệm ADN phân, chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang và nội soi đại tràng).

Tuy nhiên, ngay cả khi đã được điều trị triệt căn thì người bệnh vẫn có nguy cơ xuất hiện tế bào ung thư đại trực tràng mới cao hơn nhiều lần so với người bình thường. Do đó, người bệnh cần được tái khám định kỳ đúng lịch để được làm các xét nghiệm máu, siêu âm bụng, soi đại tràng, chụp hình cắt lớp nhằm phát hiện ung thư tái phát.

Các dấu hiệu nhận biết sớm ung thư đại trực tràng

Thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa 1 Mai Văn Dũng, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, ung thư đại trực tràng là loại ung thư có nguồn gốc từ đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn). Đây là loại ung thư phổ biến thứ 3 được chẩn đoán có ở cả nam và nữ. Ung thư đại trực tràng có thể không gây ra các triệu chứng ngay lập tức, nhưng nếu có thì sẽ là một trong các triệu chứng như thay đổi thói quen đi cầu (đi tiêu) như tiêu chảy, táo bón, phân dẹt kéo dài trong nhiều ngày; cảm giác không đi hết phân sau mỗi lần đi cầu; đi cầu ra máu; phân có lẫn máu hoặc sẫm màu; đau quặn bụng; sụt cân không chủ ý.

Nguy cơ từ nước ngọt đến các bệnh mãn tính, kể cả ung thư

Bệnh ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Do đó việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng hết sức quan trọng. Khi có yếu tố nguy cơ hoặc các biểu hiện nghi ngờ, người bệnh nên đến các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để khám sàng lọc giúp phát hiện sớm bệnh.

“Để giảm nguy cơ mắc bệnh, trong sinh hoạt, người bệnh nên ăn nhiều rau và hoa quả, uống nhiều nước, thực phẩm chế biến từ sữa, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thuốc lá, rượu. Ngay khi gặp các triệu chứng bất thường… người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế đã điều trị để được thăm khám và chữa trị kịp thời”, bác sĩ Việt khuyến cáo.