Đề xuất tổ chức chính quyền gồm 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở

Sáng 14/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Đa số đại biểu đồng tình và bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết phạm vi và nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 cũng như dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Về vấn đề tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) rằng, chủ trương của Đảng nêu rõ là xây dựng chính quyền hai cấp là gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở, xã, phường, đặc khu đối với hải đảo.

Chủ trương này không làm giảm vai trò quản lý Nhà nước, quản trị xã hội mà tạo cơ sở để tinh giản tổ chức, tối ưu hóa nguồn lực, xóa bỏ tầng lớp trung gian, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời các yêu cầu đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Việc thể chế chủ trương này của Đảng trong Hiến pháp có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn.

Đại biểu đề xuất thay đổi cách diễn đạt trong dự thảo từ “tổ chức chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp dưới tỉnh” thành “tổ chức chính quyền địa phương theo hai cấp: cấp tỉnh và cấp cơ sở”.

“Cấp tỉnh và cấp cơ sở đã được sử dụng trong nhiều nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phù hợp với quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng. Còn cấp tỉnh và cấp cơ sở gồm những gì thì có thể giao cho Quốc hội quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương” – ông Tám cho hay.

Về sửa đổi quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Tô Văn Tám đề xuất bổ sung việc “Mặt trận phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến cơ quan nhà nước” trong Luật Mặt trận Tổ quốc thay vì đưa vào Hiến pháp.

Chính quyền cấp tỉnh cần hỗ trợ chính quyền cấp xã

Liên quan dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thanh Hương (tỉnh An Giang) thống nhất cao với việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Trên cơ sở đó đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, góp phần cho các địa phương sau khi sắp xếp được hoạt động thông suốt và hiệu quả.

Đề xuất tổ chức chính quyền gồm 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (tỉnh An Giang)

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương nêu ý kiến về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương tại Điều 11. Theo đó, thực tế cho thấy, trong bối cảnh không tổ chức các huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận, cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp xã khiến cho khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là một sự thay đổi lớn trong việc năng lực tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự đồng đều, cần có thời gian.

Do đó, đại biểu cho rằng cần chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền ở một số hoặc một số đơn vị hành chính cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố

Tiếp tục nêu ý kiến về tổ chức chính quyền hai cấp, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia như Pháp, Nhật, Thuỵ Điển đã thực hiện việc sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí hành chính mà vẫn gần dân, sát dân. Thực tiễn ở Việt Nam cũng đã thực hiện nhập một số đơn vị hành chính trên cả nước, cho thấy khả năng bảo đảm hiệu quả quản lý đối với đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn. 

“Việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện là cần thiết trong hiện nay và phù hợp với xu thế của các nước phát triển. Thực tế qua theo dõi thì đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân ủng hộ chủ trương này của Bộ Chính trị, Ban Bí thư” – bà Thanh chia sẻ.

Đề xuất tổ chức chính quyền gồm 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (tỉnh Vĩnh Long)

Một vấn đề khác được đại biểu nêu ra là chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sáp nhập. Hiện nay, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế. Tuy nhiên, do phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay không cao nên mức trợ cấp đối với với các đối tượng này dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã còn thấp.

Vì vậy, để tạo điều kiện giải quyết chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, theo Kết luận 137-KL/TW năm 2025, đại biểu đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định; hỗ trợ thêm chế độ cho mỗi một năm công tác bằng 3 tháng nhân với 2 lần mức trợ cấp hiện hưởng, thời gian tối đa không quá 60 tháng; bổ sung chế độ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người hoạt động không chuyên trách thôi việc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!